Vào mùa thu bạn thấy buồn chán, uể oải hơn, lý do vì sao?

Vào mùa thu, nhiều người chợt cảm thấy lo lắng, uể oải, căng thẳng hơn. Nếu bạn là 1 trong số đó thì có thể đã bị rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Đây là tình trạng sức khỏe bắt đầu ở tuổi trưởng thành và gặp nhiều ở phụ nữ hơn nam giới.

Đi tìm triệu chứng và nguyên nhân

Trầm cảm mùa thu có các triệu chứng như: lo lắng quá mức, cáu gắt, buồn chán và trầm cảm, không còn thiết tha với các hoạt động hàng ngày.

Cho tới nay, các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể. Nhưng trầm cảm mùa thu có thể liên quan đến những vấn đề sau:

– Mùa thu ánh sáng mặt trời giảm, kéo theo sự sụt giảm hormone serotonin. Hormone này ảnh hưởng đến sự thèm ăn, tâm trạng và giấc ngủ. Trong khi đó, hormone melatonin lại gia tăng, khiến người ta dễ buồn ngủ và chán nản hơn.

– Khi ánh sáng mặt trời giảm, cơ thể thiếu hụt vitamin D. Nghiên cứu cho thấy nhiều người bị trầm cảm không có nhiều vitamin D trong cơ thể, nên có khả năng hai yếu tố này liên hệ với nhau.

Trầm cảm mùa thu không nguy hiểm, nhưng ảnh hưởng không tốt đến hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống.

Biện pháp cải thiện tình trạng chán nản, uể oải vào mùa thu

Sau đây là các biện pháp cải thiện:

Nhận nhiều ánh sáng hơn

Bạn nên tăng thời gian hoạt động ngoài trời, kể cả khi trời có nhiều mây. Ánh sáng ban ngày vẫn có ảnh hưởng hữu ích với tâm trạng. Nếu trời quá lạnh, bạn có thể mở rèm và ngồi sưởi nắng bên cửa sổ. Đặc biệt, vào sáng sớm ánh sáng mặt trời là tốt nhất, sẽ giúp tinh thần bạn thoải mái, phấn chấn hơn, đồng thời hỗ trợ cơ thể hấp thụ vitamin D hiệu quả.

Tập thể dục mỗi ngày

Tập thể dục rất có lợi cho tâm trạng con người. Nó giúp bạn giảm sự trầm cảm, căng thẳng hay lo lắng. Khi tập thể dục, độ nhạy cảm của não với các hormone norepinephrine và serotonin cũng tăng, giúp giảm cảm giác trầm buồn. Mỗi ngày bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút.

Thay đổi chế độ ăn uống

Xây dựng một chế độ ăn uống tốt sẽ có lợi cho bạn, chúng gồm:

– Cá hồi: có chứa nhiều omega-3, giúp giảm mức độ trầm cảm cho não.

– Sô cô la: có nhiều hợp chất thúc đẩy tâm trạng. Tuy nhiên, món này chỉ nên dùng với lượng vừa đủ, vì lượng đường trong sô cô la khá cao nên sẽ không tốt cho sức khỏe.

– Thực phẩm lên men:  kim chi, kefir, sữa chua, kombucha và dưa cải bắp… Chúng hỗ trợ cải thiện sức khỏe đường ruột cũng như tâm trạng. Đây là nhờ thực phẩm lên men có chứa Serotonin, một hormone làm tăng tâm trạng, và thèm ăn.

– Chuối: có nhiều vitamin B6, giúp các chất dẫn truyền thần kinh được tổng hợp.

– Yến mạch: yến mạch có chứa nhiều chất xơ nên giúp bạn ổn định lượng đường trong máu, từ đó kiểm soát sự lên xuống của tâm trạng và sự cáu gắt.

– Quả mọng: bên trong chứa nhiều chất chống oxy hoá, giúp kiểm soát chứng viêm do trầm cảm hoặc các rối loạn tâm trạng khác gây ra.

– Các loại hạt: như hạt điều, đậu phộng, hạnh nhân, quả óc chó, vừng, hạt hướng dương và bí ngô, cung cấp tryptophan. Đây là một axit amin tham gia quá trình sản xuất serotonin nhằm thúc đẩy tâm trạng.

– Các loại đậu: là nguồn cung cấp vitamin B vô cùng tuyệt vời. Nó sẽ giúp cải thiện tâm trạng nhờ việc tăng mức độ dẫn truyền thần kinh.

Làm mới một cái gì đó

Việc dọn dẹp nhà cửa, phòng ốc, sắp xếp lại đồ đạc trong nhà hoặc trồng cây cảnh, … là những biện pháp tuyệt vời để tâm trạng của bạn được cải thiện theo hướng tốt hơn. Điều này cũng giúp bạn không cảm thấy nhàm chán với cuộc sống hiện tại.

Tuy nhiên với những trường hợp cảm xúc bị rối loạn nặng, việc đến bệnh viện là cần thiết để được bác sĩ tư vấn và dùng thuốc kê đơn.

Rối loạn cảm xúc theo mùa vốn dĩ không quá nguy hiểm. Nhưng các bạn nên đến bệnh viện kiểm tra nếu có dấu hiệu nặng và khó kiểm soát được tâm trạng của mình.