Có rất nhiều những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhưng nhiều người lại không hay biết. Nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng một cách tốt hơn, bạn hãy tìm hiểu những yếu tố đó qua bài viết sau!
Bên cạnh các bệnh lý như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường…, còn rất nhiều yếu tố khác đến từ thói quen sinh hoạt hàng ngày làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chúng bao gồm:
Chế độ ăn mất cân bằng
Một chế độ ăn không cân bằng, có quá nhiều chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa, muối, cholesterol sẽ làm nguy cơ đột quỵ tăng lên. Khi ăn quá nhiều cholesterol, chúng sẽ tích tụ trong mạch máu thành mảng bám, gây tắc mạch máu và đột quỵ do tình trạng thiếu máu cục bộ. Để tránh khỏi tình trạng này, bạn nên ăn nhiều rau quả và trái cây, hạn chế thực phẩm giàu chất béo hoặc thực phẩm nhiều muối.
Uống rượu
Uống nhiều rượu cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ. Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn nên uống rượu có chừng mực. Cụ thể đối với phụ nữ, mỗi ngày không nên uống quá một ly rượu. Trong khi đó, nam giới không nên dùng quá 2 ly rượu mỗi ngày. Khi bạn uống nhiều rượu nặng sẽ làm mức huyết áp cũng như mức chất béo trung tính tăng lên, dễ gây xơ vữa động mạch.
Hút thuốc lá
Bất cứ hình thức của hút thuốc lá nào đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Điều này là do nicotin có trong thuốc lá sẽ làm tim và các mạch máu tổn thương, đồng thời gia tăng huyết áp.
Không vận động
Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy nguy cơ đột quỵ tăng cao ở những nhóm người không hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, hoạt động nhiều dù chỉ là những vận động ở cường độ nhẹ cũng có thể làm giảm nguy cơ này đáng kể.
Theo các chuyên gia, trung bình mỗi tuần người từ 45 tuổi trở lên chỉ cần hoạt động nhẹ khoảng 175 phút là đã có thể giảm tới 43% nguy cơ bị đột quỵ.
Nếu không có thời gian tham gia các môn thể thao hoặc tập gym, bạn có thể vận động nhẹ nhàng như đi chậm rãi trong vườn, vươn vai, đi dạo xung quanh văn phòng, rửa chén bát, nấu ăn, dọn dẹp giường, lau nhà, chơi piano, nấu nướng… Nguy cơ đột quỵ sẽ giảm xuống thấp hơn nếu bạn thực hiện các động tác như đi xe đạp, đi bộ nhanh, leo cầu thang, vệ sinh nhà cửa, chơi với thú cưng hoặc trẻ em… Còn nếu như bạn tham gia các hoạt động mạnh thường xuyên như chơi thể thao cường độ cao… thì có thể đề phòng đột quỵ rất tốt.
Các chuyên gia khuyến nghị mỗi tuần người lớn nên tập thể dục ít nhất 2,5 giờ để giảm nguy cơ bị đột quỵ.
Di truyền và tình trạng sức khỏe
Nếu trong gia đình bạn có các yếu tố sức khỏe di truyền, đặc biệt là cao huyết áp thì có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tuổi tác cao cũng dễ gây ra vấn đề này. Đồng thời nguy cơ bị đột quỵ ở phụ nữ cao hơn so với nam giới trong tất cả các nhóm tuổi.
Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe khác cũng tham gia vào nhóm yếu tố nguy cơ. Cụ thể, đột quỵ dễ xảy ra ở những người bị bệnh béo phì, huyết áp, hàm lượng cholesterol trong máu cao. Những bệnh nhân mắc rối loạn đông máu, bệnh tiểu đường, khuyết tật về tim, hồng cầu hình liềm cũng dễ bị đột quỵ hơn những người khác.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân thứ hai gây tử vong và nguyên nhân thứ ba gây tàn tật trên thế giới chính là đột quỵ. Có tới 6,5 triệu người chết do đột quỵ mỗi năm. Nếu không chết, người bệnh cũng có nguy cơ tàn tật. Vì thế bạn cần xây dựng cho mình một thói quen vận động thường xuyên để giảm thiểu tình trạng trên. Đồng thời đừng quên áp dụng một lối sống cân bằng, kiểm soát mức huyết áp cũng như các căn bệnh liên quan để tránh đột quỵ.