Huyết trắng là gì? Nguyên nhân và một số loại huyết trắng thường gặp

Huyết trắng là gì? Khi nào được xem là huyết trắng sinh lý và huyết trắng bệnh lý? Cách điều trị huyết trắng bệnh lý như thế nào? Tất cả những nội dung này sẽ được đề cập ngay sau đây.

Ra huyết trắng là hiện tượng sinh lý bình thường ở nữ giới. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp huyết trắng có màu sắc và mùi khác lạ khiến chị em lo lắng. Vì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng hoặc nấm men.

Do đó, chị em cần nắm rõ những thông tin về huyết trắng sẽ được tổng hợp trong bài viết sau. Để nhận biết những bất thường ở huyết trắng và có cách chữa trị phù hợp.

Xem thêm: 

Huyết trắng là gì?

Huyết trắng hay còn gọi là dịch âm đạo, là chất lỏng tiết ra từ các tuyến nhỏ trong âm đạo và cổ tử cung của chị em. Vai trò của huyết trắng là loại bỏ các tế bào và mảnh vụn nhỏ ở âm đạo. Từ đó, giúp âm đạo luôn sạch sẽ và khỏe mạnh.

Thông thường, huyết trắng được phân thành 2 loại đó là huyết trắng sinh lý và huyết trắng bệnh lý.

huyet-trang-la-gi

Huyết trắng sinh lý:

Huyết trắng sinh lý bình thường sẽ có màu trắng trong, không có mùi hoặc tanh nhẹ. Lượng huyết trắng tiết ra hàng ngày ít. Ở một số thời điểm như sắp đến chu kỳ kinh, rụng trứng, có kích thích hay mang thai… Huyết trắng sẽ tiết ra nhiều hơn bình thường.

Tuy nhiên, ra huyết trắng trong trường hợp này là điều hoàn toàn bình thường và không gây hại cho sức khỏe.

Huyết trắng bệnh lý:

Huyết trắng bệnh lý là huyết trắng có sự thay đổi về màu sắc, tính chất, mùi. Biểu hiện phổ biến của huyết trắng bệnh lý là ngứa rát âm đạo.

Với những chị em có huyết trắng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Các loại huyết trắng thường gặp

Để phân loại huyết trắng, chị em có thể dựa vào màu sắc hoặc tính chất, mùi của huyết trắng. Từ đó, chị em có thể nhận biết các loại huyết trắng như sau:

Huyết trắng màu trắng

Nếu huyết trắng màu trắng, màu kem hoặc hơi vàng thì được xem là huyết trắng sinh lý bình thường. Hầu hết, huyết trắng lúc này sẽ có độ đặc như lòng trắng trứng gà và không gây nguy hại đến sức khỏe của chị em.

Tuy nhiên, nếu huyết trắng màu trắng kết dính như phô mai hoặc như bã đậu thì có thể là dấu hiệu nhiễm trùng.

Cụ thể, nếu chị em thấy huyết trắng có màu trắng, dính như keo, có mùi hôi, gây ngứa rát âm đạo… Đây chính là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng nấm men. Tình trạng này có thể gây kích ứng âm đạo và ảnh hưởng đời sống, sức khỏe của người bệnh.

Huyết trắng màu đỏ

Huyết trắng màu đỏ hoặc đỏ sẫm có thể là biểu hiện của việc xuất huyết hoặc tụ dịch ở âm đạo. Nếu tình trạng ra huyết trắng màu đỏ ngoài chu kỳ kinh thì chị em cần thận trọng. Vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.

Huyết trắng màu xám

Nếu chị em ra huyết trắng màu xám thì có thể đã bị nhiễm trùng do vi khuẩn gây viêm âm đạo. Ngoài ra, lúc này chị em còn bắt gặp một số triệu chứng khác như:

  • Ngứa;
  • Kích ứng âm hộ hoặc âm đạo;
  • Huyết trắng có mùi hôi tanh;
  • Đỏ xung quanh âm hộ hoặc âm đạo;

Huyết trắng màu vàng hoặc xanh

Trường hợp ra huyết trắng màu vàng nhạt thì đây là huyết trắng sinh lý bình thường. Sở dĩ gây nên tình trạng này có thể chế độ ăn uống, sử dụng thuốc hoặc do quan hệ. Lúc này, chị em chỉ cần thay đổi một số thói quen ăn uống, sinh hoạt thì huyết trắng sẽ ổn định.

Còn nếu ra huyết trắng màu vàng đậm hoặc xanh lục thì có thể do nhiễm trùng, do vi khuẩn hoặc do Trichomonas. Ngoài ra, đây cũng là biểu hiện cho thấy chị em đang mắc các bệnh lây qua đường tình dục.

Huyết trắng ra nhiều

Huyết trắng ra nhiều có thể xuất hiện khi chị em tập thể dục, được kích thích tình dục, do rụng trứng, mang thai… Huyết trắng ra nhiều trong trường hợp này vô hại với sức khỏe của chị em.

Còn nếu huyết trắng ra nhiều kèm mùi hôi tanh thì cần phải kiểm tra sớm. Vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng nấm men âm đạo.

Huyết trắng màu hồng

Ra huyết trắng hồng nhạt hoặc sẫm có thể xuất hiện trước ngày đèn đỏ 1 – 2 ngày. Ngoài ra, tình trạng này có thể do quan hệ thô bạo khiến cổ tử cung và âm đạo bị trầy xước.

Ngoài ra, huyết trắng màu hồng còn là dấu hiệu của việc mang thai hay còn gọi là máu báo. Do đó, nếu chị em thấy ra huyết trắng màu hồng kèm dấu hiệu buồn nôn, khó chịu thì nên đến bệnh viện để kiểm tra chính xác.

Nữ giới sau sinh cũng có thể xuất hiện huyết trắng màu hồng. Nguyên nhân do niêm mạc tử cung bị rụng sau khi sinh.

Huyết trắng có mùi

Thông thường, huyết trắng sinh lý sẽ không có mùi hoặc có mùi nhẹ theo từng cá nhân. Mùi của huyết trắng sẽ được tác động bởi thức ăn, đồ uống, thuốc và thói quen sinh hoạt. Tuy nhiên, mùi huyết trắng lúc này rất nhẹ và không gây khó chịu.

Nhiều trường hợp huyết trắng có lẫn nước tiểu và máu trong chu kỳ kinh. Tuy nhiên, mùi huyết trắng lúc này cũng không quá nồng nặc và sẽ kết thúc sau 1 – 2 ngày sạch kinh.

Còn trong các trường hợp huyết trắng có mùi tanh, chua, hôi, nồng nặc được xem là huyết trắng bệnh lý. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm âm đạo hoặc các bệnh lây qua đường tình dục.

Xem thêm: Ra nhiều huyết trắng khi mang thai có đáng lo không?

Nguyên nhân gây huyết trắng bệnh lý

Có nhiều nguyên nhân gây huyết trắng bệnh lý, nhưng phổ biến là những nguyên nhân dưới đây:

Nhiễm nấm Candida albicans

Nhắc đến tác nhân gây huyết trắng bệnh lý, đầu tiên phải kể đến nấm Candida Alibicans.

Khi nhiễm nấm, vùng kín sẽ xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Huyết trắng có màu trắng đục;
  • Tính chất huyết trắng dính từng mảng như phô mai hoặc vón cục;
  • Ngứa rát ở âm hộ.

Do tạp trùng

Khi âm đạo bị tạp trùng tấn công sẽ có biểu hiện ra huyết trắng màu vàng hoặc xám, loãng và có mùi tanh. Tình trạng này thường xuất hiện sau khi quan hệ hoặc do thói quen thụt rửa sâu bên trong âm đạo.

Thông thường, vùng kín của chị em tồn tại nhiều lợi khuẩn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng thuốc khiến những lợi khuẩn bị tiêu diệt.

Đồng thời, thói quen thụt rửa khi vệ sinh vô tình đưa các hại khuẩn vào bên trong vùng kín. Từ đó, gây mất cân bằng âm đạo và xuất hiện huyết trắng bệnh lý.

Nhiễm Trichomonas

Trùng roi Trichomonas là một trong những nguyên nhân phổ biến gây huyết trắng bệnh lý.

Khi nhiễm trùng roi, vùng kín sẽ tiết ra nhiều huyết trắng hơn bình thường. Đồng thời, huyết trắng có màu vàng, xanh, có bọt và kèm ngứa rát.

Các bệnh lý liên quan đến tử cung

Viêm lộ tuyến cổ tử cung hay u xơ tử cung là những bệnh lý phụ khoa gây huyết trắng bệnh lý.

Cụ thể, khi bị viêm lộ tuyến sẽ có biểu hiện huyết trắng màu sữa đục, dính từng màng, có mùi hôi và gây ngứa ngáy.

Còn với bệnh u xơ, ngoài các biểu hiện như rối loạn kinh nguyệt, chảy máu âm đạo thì chị em sẽ thấy huyết trắng ra nhiều. Nếu kèm theo nhiễm khuẩn thì sẽ xuất hiện huyết trắng có lẫn mủ hoặc máu.

Ngoài những nguyên nhân trên thì huyết trắng bệnh lý còn do những nguyên nhân sau:

  • Vệ sinh vùng kín không đúng cách;
  • Mặc quần áo bó sát;
  • Không thay băng vệ sinh thường xuyên trong kỳ kinh;
  • Thường xuyên thức khuya;
  • Căng thẳng đầu óc, rối loạn tâm lý.

Xem thêm: Bệnh huyết trắng có nguy hiểm không? Những nguyên nhân điển hình.

Huyết trắng bệnh lý có nguy hiểm không?

Huyết trắng bệnh lý có nguy hiểm không là mối quan tâm của rất nhiều chị em.

Các chuyên gia cho hay, huyết trắng bệnh lý nếu không trị dứt điểm và kịp thời sẽ có nguy cơ lây lan, tái phát nhiều lần. Từ đó, khiến chị em bị viêm, tắc ống dẫn trứng, trứng không rụng, khó thụ thai. Dẫn đến tình trạng vô sinh, hiếm muộn ở nữ giới.

Ngoài ra, huyết trắng còn gây phiền toái cho chị em trong cuộc sống. Đồng thời, khiến chị em tự ti trong đời sống vợ chồng.

Nữ giới mang thai rất dễ mắc huyết trắng bệnh lý. Nếu để bệnh kéo dài có thể dẫn đến viêm nhiễm. Từ đó, tăng nguy cơ thủng màng ối non, rỉ rối, sảy thai, sinh non.

Cuối cùng, huyết trắng bệnh lý còn là nguyên nhân gây viêm bàng quang, viêm nội mạc tử cung, u xơ tử cung… Nếu để bệnh kéo dài có thể dẫn đến ung thư tử cung.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Như đã chia sẻ, huyết trắng bao gồm huyết trắng sinh lý và huyết trắng bệnh. Trong đó, huyết trắng sinh lý không nguy hiểm và không cần điều trị. Còn huyết trắng bệnh lý khiến dịch âm đạo có mùi, màu sắc, tính chất bất thường thì cần đi thăm khám sớm.

Ngoài ra, chị em cũng nên đến bệnh viện nếu có những biểu hiện dưới đây:

  • Âm đạo ngứa, đau hoặc khó chịu;
  • Dịch tiết âm đạo giống phô mai;
  • Chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt;
  • Đau rát hoặc ra huyết trắng như bã đậu sau khi quan hệ tình dục;
  • Có mùi hôi tanh hoặc nồng;
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Đi tiểu nhiều;
  • Ra nhiều huyết trắng kèm theo mệt mỏi và đi tiểu nhiều.

Cách điều trị bệnh huyết trắng

Nếu có những biểu hiện của huyết trắng bệnh lý, chị em nên đến các bệnh viện, phòng khám uy tín để thăm khám. Tuyệt đối, không tự ý mua thuốc về chữa trị hoặc áp dụng một số mẹo dân gian.

Sau khi thăm khám, tùy vào tình trạng bệnh ký mà bác sĩ có thể chỉ định một trong những phương pháp sau.

Chăm sóc tại nhà

Các trường hợp ra huyết trắng sinh lý sẽ không cần điều trị mà chỉ cẩn áp dụng một số cách khắc phục tại nhà như sau:

  • Vệ sinh vùng kín sạch, đúng cách. Không sử dụng sản phẩm có tính tẩy mạnh để vệ sinh. Không thụt rửa sâu trong quá trình vệ sinh vùng kín.
  • Mặc quần lót có chất liệu thấm hút tốt, quần lót rộng rãi, thoải mái. Không mặc quần lót khi còn ẩm ướt vì sẽ tạo điều kiện cho nấm men phát triển.
  • Khi đi vệ sinh nên thao tác lau từ trước ra sau, để tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào cơ quan sinh dục.
  • Quan hệ an toàn, thủy chung với một bạn tình.
  • Bổ sung sữa chua, tỏi hoặc các loại men vi sinh để tăng lượng vi khuẩn có lợi ở âm đạo.

Thuốc trị huyết trắng

Sử dụng thuốc là phương pháp hiệu quả điều trị bệnh huyết trắng. Tùy vào từng tác nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị như sau:

Huyết trắng do Candida albicans:

Nếu huyết trắng do nhiễm nấm Candida Albicans thì người bệnh có thể áp dụng phác đồ sau:

–  Đặt âm đạo bằng thuốc Miconazole hay Clotrimazole viên 100 mg, đặt từ 3 đến 7 đêm.

–  Uống Fluconazole 150 mg, liều duy nhất (1 viên)

Huyết trắng do nhiễm Trichomonas Vaginalis:

Thuốc sử dụng điều trị huyết trắng do nhiễm Trichomonas gồm:

– Fasigyl (Tinidazole ) uống 2 g (4 viên) liều duy nhất. Còn với trẻ em dùng liều 50-70 mg/ kg cân nặng, uống liều duy nhất.

– Flagentyl (Secnidazole) uống 2 g (4 viên) liều duy nhất.

Huyết trắng do tạp trùng:

Huyết trắng màu vàng hoặc xám, loãng, tráng đều thành âm đạo, có mùi hôi là biểu hiện của bị huyết trắng do tạp trùng.

Cách chữa trị như sau:

– Metronidazol 500 mg uống 2 lần/ngày, uống trong 7 ngày.

– Hoặc uống Metronidazole 2 g liều duy nhất.

Còn với những trường hợp bị huyết trắng là do các bệnh lý khác thì sẽ được điều trị chuyên sâu phù hợp với tình trạng của mỗi người.

Hy vọng với những thông tin trên đã giúp chị em hiểu rõ huyết trắng là gì. Cũng như cách nhận biết huyết trắng sinh lý và huyết trắng bệnh lý.

Huyết trắng bệnh lý có thể đe dọa đến sức khỏe sinh sản của chị em. Do đó, khi nhận thấy những bất thường ở huyết trắng, chị em nên nhanh chóng đi thăm khám để được chữa trị kịp thời.